Khắc phục “khoảng trống pháp lý”
Theo Dự thảo Tờ trình của Cục Thông tin, Thống kê (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cơ quan dự thảo Thông tư thì công bố khoa học là sự ghi nhận kết quả toàn phần hay một phần của một công trình nghiên cứu, một trong những khâu mấu chốt đánh dấu sự hoàn tất của công trình nghiên cứu khoa học. Các công bố khoa học giúp phổ biến kết quả nghiên cứu với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế, tạo ra cơ sở khoa học cho hoạt động nghiên cứu tiếp theo và là cầu nối cho hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời cũng là một tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, là thước đo cho trình độ và xếp hạng năng lực nghiên cứu của cá nhân, tổ chức và quốc gia.

Bài báo khoa học là hình thức phổ biến nhất của công bố khoa học.
Theo Cục Thông tin, Thống kê, bài báo khoa học là hình thức phổ biến nhất của công bố khoa học. Những năm gần đây, số lượng bài báo khoa học của Việt Nam trên các tạp chí cả ở trong nước lẫn quốc tế đều có sự gia tăng mạnh mẽ, trung bình mỗi năm có khoảng gần 40.000 công bố khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế với tỷ lệ công bố trong nước và quốc tế gần tương đương nhau. Điều này thể hiện sự nỗ lực, năng lực khoa học cũng như năng suất nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam có bước phát triển đáng kể.
Cơ quan dự thảo Thông tư cho rằng, ở nước ta, đến nay trên phạm vi toàn quốc vẫn chưa có một thống kê, đo lường, phân tích về chất lượng các công bố khoa học; chưa có công cụ đo lường hệ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học hoặc các công cụ đo lường khác được áp dụng phổ biến. Do vậy, chưa thật sự đánh giá khách quan được chất lượng các bài báo; chưa chỉ ra phát hiện mới, ý tưởng mới hay là sự trùng lặp trong các bài báo khoa học và do đó cũng chưa chỉ ra được uy tín của các nhà khoa học cũng như các tạp chí, các tổ chức khoa học và công nghệ, dẫn đến khó khăn trong việc so sánh “sản lượng nghiên cứu” với các nước khác trong khu vực.
Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia (trước đây), nay là Cục Thông tin, Thống kê đã tiến hành thu thập các công bố khoa học của Việt Nam, nhưng vẫn chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động này nên còn bị động và gặp nhiều khó khăn như: Chưa có hệ thống quy định đầy đủ và thống nhất về tiêu chuẩn, quy trình xuất bản công bố khoa học, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong việc đánh giá, kiểm duyệt và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học; việc quản lý, giám sát chất lượng các công bố khoa học còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo tính minh bạch, liêm chính khoa học và kiểm soát được các hành vi gian lận, sao chép, đạo văn trong nghiên cứu; chưa có cơ chế quản lý hiệu quả đối với công bố khoa học có nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước, dẫn đến việc phân bổ và sử dụng nguồn lực chưa thực sự tối ưu.
Việc thiếu hành lang pháp lý thống nhất trong quản lý hoạt động công bố, đặc biệt là công bố công nghệ - vốn là đầu ra thiết thực của hoạt động khoa học và công nghệ đã khiến công bố không phát huy được vai trò như một công cụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế. Chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuẩn hóa hoạt động công bố khoa học, từ quy trình xuất bản đến hệ thống đo lường, đánh giá và công bố dữ liệu minh bạch. Việc ban hành Thông tư quản lý công bố khoa học và công nghệ tại Việt Nam vì vậy rất có ý nghĩa, góp phần khắc phục “khoảng trống pháp lý” về vấn đề này.
Những nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư
Thông tư Quy định quản lý công bố khoa học và công nghệ tại Việt Nam gồm 3 chương, 13 điều.
Chương 1: gồm 4 điều, quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc công bố khoa học và công khai công bố khoa học. Dự thảo Thông tư quy định, việc quản lý công bố khoa học và công nghệ trong nước, áp dụng với các tạp chí khoa học, sách phục vụ đào tạo, kỷ yếu hội thảo khoa học và các tổ chức, cá nhân liên quan. Dự thảo cũng xác lập các nguyên tắc trong công bố khoa học như tính nguyên gốc, tính học thuật, hợp hiến, hợp pháp, không đạo văn và tuân thủ quy định pháp luật. Tất cả công bố khoa học sau khi xuất bản phải được cập nhật lên Hệ thống thông tin quốc gia về khoa học và công nghệ trong vòng 6 tháng để đảm bảo tính công khai, minh bạch và phục vụ đánh giá.
Chương 2: gồm 7 điều, quy định chi tiết về quản lý công bố khoa học, bao gồm các nội dung: Xuất bản công bố khoa học; Đo lường, đánh giá năng suất, chất lượng công bố khoa học; Quyền lợi và trách nhiệm của tác giả công bố khoa học; Quyền lợi và trách nhiệm của tạp chí khoa học; Quyền lợi và trách nhiệm của cơ sở nghiên cứu và đào tạo; Chế độ báo cáo; Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động xuất bản công bố khoa học.
Trong Chương 2, cấu trúc một bài báo khoa học cũng đã được đề cập đến: phải đầy đủ từ tiêu đề, tóm tắt, từ khóa, nội dung nghiên cứu đến tài liệu tham khảo và cam kết minh bạch. Quy trình xuất bản phải trải qua kiểm tra ban đầu, phản biện kín hai chiều, xét duyệt biên tập, duyệt đăng và nộp lưu chiểu. Việc đo lường, đánh giá chất lượng và năng suất công bố được giao cho cơ quan có thẩm quyền, trong đó Cục Thông tin, Thống kê có nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu công bố khoa học, trích dẫn khoa học phục vụ đánh giá và xếp hạng tạp chí, cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học. Công bố có gian lận học thuật như đạo văn, làm giả dữ liệu, mua bán bài viết sẽ bị rút và không được công nhận trong đánh giá. Chương 2 cũng làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên: tác giả được bảo vệ quyền sở hữu và lợi ích nhưng phải trung thực học thuật; tạp chí khoa học hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận, tuân thủ quy trình và báo cáo định kỳ; cơ sở nghiên cứu, đào tạo cần ban hành quy chế nội bộ, tính công bố vào thành tích phù hợp và kiểm soát hành vi gian lận. Các đơn vị xuất bản có nghĩa vụ cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý.
Chương 3: gồm 2 điều, quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của Thông tư. Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Thông tin, Thống kê là đầu mối tổ chức triển khai và hướng dẫn thực hiện Thông tư.
Vũ Hưng