Thứ hai, 07/07/2025 15:47

Đại học Bách khoa Hà Nội: Dám nghĩ, dám làm, tiên phong chuyển đổi số

Ngày 04/07/2025, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng đã đồng chủ trì chương trình làm việc về S.T.I.D giữa 3 bên.

Đại học Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh S.T.I.D

Trong những năm gần đây, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tích cực triển khai các chủ trương, nghị quyết lớn của Đảng và Nhà nước. Nhà trường đã nhanh chóng cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 57, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 193 của Quốc hội, cùng Quyết định số 663/QĐ-TTg ngày 25/03/2025 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới mục tiêu phát triển thành đại học thuộc nhóm dẫn đầu châu Á.

Toàn cảnh buổi làm việc (nguồn: Đại học Bách khoa Hà Nội).

Tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng đã trình bày báo cáo tổng hợp về kết quả hoạt động S.T.I.D của Nhà trường. Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tinh gọn bộ máy tổ chức nghiên cứu, đẩy mạnh phân cấp tự chủ, hình thành 6 viện nghiên cứu chuyên sâu và phát triển các phòng thí nghiệm theo định hướng công nghệ chiến lược như: trí tuệ nhân tạo, hệ thống thông minh và robot, năng lượng - môi trường bền vững, khoa học sức khỏe, vật liệu mới và bán dẫn.

Nhà trường hiện có 1.069 giảng viên, trong đó 797 là tiến sỹ (chiếm 75%), 299 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 28%), hầu hết đều được đào tạo tại các quốc gia phát triển. Đây là lực lượng quan trọng để triển khai các nghiên cứu công nghệ then chốt. Bên cạnh đó, gần 40.000 sinh viên của trường cũng được đánh giá cao về tinh thần học tập, nghiên cứu.

Về công bố khoa học, Đại học Bách khoa Hà Nội đứng đầu cả nước trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật với hơn 2.000 bài báo khoa học mỗi năm, khoảng 1.400 bài trên hệ thống WoS/Scopus, đồng thời duy trì trung bình 20-25 văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích mỗi năm. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm công nghệ “Made in Bách khoa” không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn có khả năng ứng dụng lưỡng dụng trong an ninh, quốc phòng, từ điện tử viễn thông, biển đảo, năng lượng cho đến AI, kỹ thuật cơ khí - hóa học - hàng không.

Nhà trường đang nỗ lực triển khai mô hình đại học số với nền tảng quản trị eHUST, hệ thống điều hành BK-Office, chữ ký số BK-Sign, đào tạo trực tuyến daotao.ai,… hướng tới mô hình đại học chia sẻ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng phê duyệt trong Đề án phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm đại học hàng đầu châu Á.

Khát vọng trở thành trung tâm xuất sắc về S.T.I.D

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định, Đại học Bách khoa Hà Nội dám nghĩ, dám làm và bản lĩnh thử nghiệm để phát triển thành trung tâm xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Nhà trường xác định, sẽ đi đầu trong các lĩnh vực then chốt phục vụ chiến lược công nghiệp quốc gia như: trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, blockchain, bán dẫn - chip, robot và tự động hóa, năng lượng, công nghệ sinh học và vật liệu mới.

Trung tâm đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đang được phát triển theo hướng hiện đại, gắn kết chặt chẽ với mạng lưới khởi nghiệp trong và ngoài nước. Hệ sinh thái được cộng hưởng từ mạng lưới cựu sinh viên, Quỹ Khởi nghiệp sinh viên BK Fund, cùng hơn 300 đối tác quốc tế là các đại học, viện nghiên cứu trên toàn cầu.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Nhà trường đã đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hai nhóm vấn đề trọng tâm. Trước hết là xây dựng cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm theo năng lực tổ chức, có nguồn lực đầu tư trung hạn, dài hạn để phát triển các chương trình công nghệ chiến lược, thương mại hóa mạnh mẽ. Tiếp đó là đề xuất xây dựng Trung tâm nghiên cứu sáng tạo công nghệ lõi sâu trong các lĩnh vực thế mạnh, phát triển theo mô hình tiên tiến trên thế giới như HighTechXL (Hà Lan), MIT Lincoln Laboratory, Stanford Research Institute (SRI), Berkeley Lab.

Đại diện các nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã báo cáo 3 sản phẩm tiêu biểu thuộc nhóm 11 công nghệ chiến lược quốc gia theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/06/2025. Đó là hệ truyền động động cơ điện cỡ nhỏ hiệu năng cao cho robot và thiết bị tự động hóa; hệ thống Harmonic dự báo thời tiết đa quy mô bằng nền tảng dữ liệu lớn; các thiết bị AI như camera, microphone thông minh cùng trợ lý ảo tiếng nói. Những kết quả này đã khẳng định vị thế tiên phong, khả năng nghiên cứu ứng dụng và đóng góp thiết thực của Đại học Bách khoa Hà Nội vào mục tiêu xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước.

Kỳ vọng Bách khoa Hà Nội trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, tạo ra các “kỳ lân”

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cũng như các kết quả mà Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt được. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ưu tiên tài trợ các đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp, với yêu cầu rõ ràng là kết quả nghiên cứu cần được thương mại hóa, tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc (nguồn: Đại học Bách khoa Hà Nội).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, Đại học Bách Hà Nội là nòng cốt trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam, sở hữu năng lực nội tại lớn và xứng đáng được đặt kỳ vọng không chỉ ở tầm quốc gia mà cả khu vực. Bộ trưởng cũng biểu dương những thành tựu nổi bật của Nhà trường, đặc biệt trong việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thành lập Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo - bước đi tiên phong trong hệ thống đại học công lập.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế về số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ, doanh thu thương mại hóa còn thấp do các vướng mắc về cơ chế sở hữu trí tuệ, tài chính và thiếu đội ngũ trung gian chuyên nghiệp. Các quy định chi tiết của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được ban hành trong quý III/2025, sẽ tạo hành lang pháp lý để các trường đại học điều chỉnh cơ chế nội bộ, mạnh dạn hơn trong triển khai thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, đến năm 2045, Đại học Bách khoa Hà Nội phải tạo ra ít nhất 3 doanh nghiệp kỳ lân (unicorn), cùng nhiều doanh nghiệp “mini unicorn”. Nhà trường nên trở thành “tổng thầu trí tuệ”, hình thành các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo ngành ngay trong lòng đại học, qua đó ươm tạo, thử nghiệm và thương mại hóa các công nghệ mới, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại sự kiện (nguồn: Đại học Bách khoa Hà Nội).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, đây là thời điểm thuận lợi để các trường kỹ thuật như Đại học Bách khoa Hà Nội bứt phá, nhất là khi Nghị quyết 57 và các chính sách lớn đã được ban hành. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đổi mới trước hết phải bắt đầu từ đổi mới tư duy: tư duy làm khoa học, quản trị chi phí nghiên cứu, tư duy phát triển đội ngũ và xây dựng các “đầu bài” nghiên cứu sát thực tiễn. Hiệu quả kinh tế không phải mục tiêu duy nhất mà nghiên cứu còn phải phục vụ phát triển đào tạo, đội ngũ giảng viên, nâng cao năng lực tự chủ đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề cao mô hình phối hợp “ba nhà” - Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp - mà Đại học Bách khoa Hà Nội đang triển khai. Bộ trưởng cho rằng, ngay từ giai đoạn xác định đề bài nghiên cứu cần có sự tham gia của cả ba bên để đảm bảo các kết quả đạt giá trị thực tiễn cao. Ông cũng gợi mở Nhà trường nên tìm hiểu thêm về mô hình đại học công nghệ thế hệ mới theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Kết thúc buổi làm việc, cả hai Bộ trưởng đều nhấn mạnh vai trò then chốt của S.T.I.D trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: Khoa học và công nghệ là nền tảng của quốc gia. Nếu muốn Việt Nam hùng cường, khoa học và công nghệ phải hưng thịnh. Đại học Bách khoa Hà Nội phải khác với chính mình của trước đây, phát triển với tốc độ tốt hơn. Đây cũng chính là thông điệp quan trọng, truyền cảm hứng để Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

Xuân Bình

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)