Thứ sáu, 04/07/2025 10:45

Cần có ưu đãi nổi trội để thu hút sinh viên ngành công nghệ cao

Ngày 03/07/2025, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 06/2025, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã có những trao đổi liên quan đến việc đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI, các dự án hạ tầng lớn…

Quy mô đào tạo trong lĩnh vực STEM tăng mạnh

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thông tin về công tác đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho lĩnh vực công nghệ cao.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong nhiều năm qua, từ giáo dục phổ thông đến đại học và sau đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất chú trọng đến giáo dục STEM (bao gồm các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với việc Việt Nam đang vươn mình bước vào kỷ nguyên số, đang đặt ra yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực có khả năng thực thi những dự án lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 24/05/2025, phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2045. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm phát triển nhân lực STEM trong thời gian tới.

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 90% cơ sở giáo dục đại học đã tham gia đào tạo các ngành STEM. Riêng năm 2024, số lượng sinh viên chính quy theo học các ngành này tăng 10,6% so với năm trước, tương đương khoảng 60.000 sinh viên. Tổng số sinh viên tuyển mới vào các ngành STEM năm nay đạt 218.000 em, chiếm 36% tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc.

Ở bậc sau đại học, xu hướng tăng trưởng càng rõ nét: số lượng học viên cao học trong các ngành STEM năm 2024 tăng 34%, đạt gần 20.000 học viên, còn số nghiên cứu sinh tăng 33%, đạt gần 4.000 người - tức là tăng gần 600 nghiên cứu sinh so với năm 2023.

Tuy vậy, tỷ lệ người học lĩnh vực STEM tại Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 27-31%, vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ở Singapore là 46%, Malaysia 50%, Hàn Quốc 33%, Phần Lan 36% và Đức là 39%”. Điều đó cho thấy Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa cả về quy mô, tốc độ và chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh STEM, ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực mũi nhọn mang tính chiến lược cũng được Chính phủ quan tâm đặc biệt. Ngày 21/09/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 kỹ sư bán dẫn và đến 2050 có lực lượng đủ mạnh để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Hiện có 166 cơ sở đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này (gồm 66 trường công lập và 31 trường tư thục). Trong đó, nhiều trường ngoài công lập như Trường Đại học CMC, Trường Đại học Phenikaa, FPT... cũng tích cực tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

Trong năm học 2024-2025, khoảng 19.000 sinh viên đã nhập học vào các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên ngành STEM.

Để bảo đảm chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng tư vấn và Hội đồng thẩm định chuẩn chương trình đào tạo các trình độ đại học, thạc sỹ về vi mạch bán dẫn. Về chương trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng bộ chuẩn chương trình, thành lập các hội đồng chuyên gia thẩm định và hiện đã công bố hơn 30 chương trình đào tạo tại 8 cơ sở giáo dục đại học. Đây là bước đi có tính nền tảng, bảo đảm chất lượng và sự chuẩn hóa trong đào tạo.

Sẽ có chính sách ưu đãi nổi trội để thu hút người học ngành STEM

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ người học ngành STEM còn thấp chính là chính sách chưa đủ hấp dẫn. Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược; dự kiến trình Chính phủ trong tháng 07/2025.

Nội dung dự thảo Nghị định quy định về chính sách cấp học bổng tập trung cho các đối tượng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc 3 lĩnh vực được quy định tại Nghị quyết số 57, gồm: khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên thạc sỹ, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. Hiện, dự thảo Quyết định đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện; dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 07/2025...

PT

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)