Một số kết quả đạt được
Chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới công nghệ: Với mục tiêu đưa công nghệ trở thành "đòn bẩy" cho năng suất và sức cạnh tranh, tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND, ngày 05/11/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những chính sách tiên phong của tỉnh, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thay đổi tư duy “sản xuất truyền thống” sang “sản xuất thông minh”. Các doanh nghiệp trên địa bàn nếu thực hiện dự án đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm, hoặc nghiên cứu ứng dụng khoa học vào sản xuất sẽ được: hỗ trợ tài chính trực tiếp, tiếp cận các gói vay lãi suất ưu đãi; hỗ trợ tư vấn, chuyển giao công nghệ từ các viện, trường và tổ chức KH&CN trong, ngoài tỉnh…

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2023 tổ chức tại Nam Định.
Khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Các dự án đầu tư vào mô hình sản xuất sạch, canh tác hữu cơ, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý nông trại… được miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật. Gần 100 nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai từ năm 2021 đến nay phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung vào việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như: phát triển đô thị thông minh; giáo dục; sản xuất giống lúa mới; chăn nuôi bò thịt; sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ…

Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại tỉnh Nam Định.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Một trong những điểm sáng trong chiến lược phát triển của Nam Định là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn diện. Tỉnh đã thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nơi cung cấp hạ tầng, không gian làm việc, tư vấn và kết nối đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động như Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) vùng Đồng bằng sông Hồng, các cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo về sáng tạo, nhằm kích thích tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và giới trẻ. Thị trường khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh đang từng bước hình thành với việc xây dựng thành công và đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ, thiết bị và hỗ trợ khởi nghiệp.
Chính sách đột phá trong phát triển S.T.I.D: Các chính sách này xây dựng với phương châm: người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính, nhà khoa học là nhân tố then chốt, nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển S.T.I.D. Tất cả cơ quan Nhà nước của tỉnh đã được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng chính phủ và mạng internet cáp quang tốc độ cao đảm bảo đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc. 90% địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động 4G, 5G và 100% thôn, xóm, tổ dân phố được kết nối với đường internet cáp quang tốc độ cao, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Hạ tầng cơ sở dữ liệu số như: kinh tế - xã hội, dữ liệu ngành được tỉnh quan tâm đầu tư. Đến nay, tỉnh đã cung cấp 1.761 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; Các quy trình giải quyết thủ tục hành chính được điện tử hóa và công khai để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số theo hướng minh bạch và hiệu quả. Cùng với đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được mở rộng đến tất cả cơ quan chính quyền các cấp.
Với những kết quả đạt được, các chỉ số đánh giá về chuyển đổi số năm 2024 của Nam Định đạt được thành tích khá ấn tượng như: chỉ số xếp hạng chuyển đổi số xếp hạng thứ 10/63 tỉnh, thành phố; chỉ số thành phần về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong Bộ chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; là một trong những điểm sáng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chỉ số xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong bộ chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh Nam Định đạt 95,99%, đứng thứ nhất toàn quốc…
Các nhóm giải pháp
Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, khẩn trương đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 21/02/2025 thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ với các nhóm giải pháp sau:
Tổ chức thực hiện tốt công tác quán triệt và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của S.T.I.D; xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ; quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; tạo lợi thế cạnh tranh trong phát triển S.T.I.D.
Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho S.T.I.D.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển S.T.I.D.
Đẩy mạnh S.T.I.D trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động S.T.I.D trong doanh nghiệp.
Phát triển dịch vụ số, công dân số, văn hóa số.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển S.T.I.D.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Với quyết tâm chính trị cao và tinh thần quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, Nam Định đang đặt nền móng vững chắc cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57- NQ/TW. Qua đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn tạo động lực mạnh mẽ, đồng hành cùng cả dân tộc vươn mình trong kỷ nguyên mới.