Trường Đại học Cần Thơ đã công bố các quyết định thành lập 02 nhóm nghiên cứu mạnh, bao gồm: (1) Các giải pháp hỗ trợ cho Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long (AgriCTU) do GS.TS Võ Quang Minh làm Trưởng nhóm; (2) Phát triển nuôi thuỷ sản bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu (AQUASUS) do GS.TS Vũ Ngọc Út làm Trưởng nhóm. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng thành lập 05 nhóm nghiên cứu dẫn dắt, bao gồm: (1) Công nghệ sinh học (Biotech-CTU) thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học do PGS.TS Đỗ Tấn Khang làm Trưởng nhóm; (2) Tự động hóa - công nghệ thông tin - chuyển đổi số - trí tuệ nhân tạo (AIMED) do GS.TS Huỳnh Xuân Hiệp làm Trưởng nhóm; (3) Khoa học tự nhiên trên nền tảng số (NatSciDP) do GS.TS Nguyễn Thành Tiên làm Trưởng nhóm; (4) Ứng dụng số hóa kinh tế - xã hội - phát triển nông thôn (RESRUD) do PGS.TS Võ Văn Dứt làm Trưởng nhóm; (5) Nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học (PCUESL) do PGS.TS Trịnh Quốc Lập làm Trưởng nhóm.

PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng, GS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ trao Quyết định và tặng hoa các nhóm nghiên cứu mới thành lập.
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, với triết lý giáo dục “Cộng đồng - Toàn diện - Ưu việt” của Nhà trường, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chiến lược phát triển của Nhà trường. Các nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu dẫn dắt không chỉ là hạt nhân trong hoạt động nghiên cứu, mà còn đóng vai trò kết nối liên ngành, liên lĩnh vực, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của vùng và cả nước như biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi số, an ninh lương thực và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mạnh Đức - Xuân Diện