Thứ ba, 15/07/2025 16:32

Cà Mau: Phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ tuần hoàn và an toàn sinh học

Thông qua việc thực hiện thành công dự án sản xuất thử nghiệm: “Xây dựng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thương phẩm siêu thâm canh 03 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học”, TS Nguyễn Nhứt và các cộng sự thuộc Công ty TNHH Khoa học Nuôi trồng Thủy sản và Môi trường SAEN đã xây dựng thành công quy trình nuôi tôm thâm canh không xả thải ra môi trường, chi phí sản xuất thấp, mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn.

Lời giải cho bài toán môi trường

Là địa phương nuôi tôm lớn nhất khu vực và cả nước, diện tích nuôi tôm nước lợ ở Cà Mau (trước khi sáp nhập) đã phát triển lên đến gần 300.000 ha, thu về hơn 1 tỷ USD/năm. Đối với mô hình nuôi siêu thâm canh, đa phần các hộ nuôi đều sử dụng ao lót bạt, khung sắt lót bạt để nuôi tôm với mật độ cao 200-300 con/m2. Mô hình này có nhược điểm là phải thay nước liên tục, dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất.

Những năm gần đây, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ở Cà Mau chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giá bán thấp dần và chi phí sản xuất cao. Bên cạnh đó, việc gia tăng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh dẫn đến tác động tiêu cực đến môi trường vì thiếu những giải pháp hữu hiệu giảm phát thải. Hiện nay, hầu hết những ao nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh đều phải thường xuyên thay nước và xả thải không qua các thiết bị chuyên dụng, dẫn đến thiếu an toàn sinh học và lây lan mầm bệnh cho những ao nuôi khác. Đặc biệt, một lượng lớn bùn thải, thức ăn dư thừa, phân tôm khi thải ra môi trường nếu chưa được xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường sản xuất và sinh hoạt.

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, việc thay đổi giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh với mục tiêu bền vững, giảm chi phí sản xuất và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước là nhu cầu cấp thiết. Trước thực trạng đó, Công ty TNHH Khoa học Nuôi trồng Thủy sản và Môi trường SAEN đã đề xuất và được giao chủ trì thực hiện dự án thử nghiệm: “Xây dựng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thương phẩm siêu thâm canh 03 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học”. Mục tiêu của dự án là nhằm thử nghiệm xây dựng quy trình nuôi tôm bằng công nghệ tuần hoàn dinh dưỡng ít thay nước với chiến lược nuôi 03 giai đoạn. Đây là dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ được đánh giá là phù hợp, đáp ứng các chỉ tiêu về tính an toàn và bền vững khi sử dụng sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý và sáng tạo.

Sau 3 năm triển khai (2022-2024), dự án đã thành công ngoài mong đợi, trong quá trình thực hiện dự án, đã có nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước đến tham quan mô hình và triển khai thành công tại địa phương mình.

Hiệu quả mang lại

Tại Việt Nam, công nghệ nuôi 03 giai đoạn đã được Công ty TNHH Khoa học Nuôi trồng Thủy sản và Môi trường SAEN nghiên cứu ứng dụng tại Quảng Ngãi (trước khi sáp nhập) trên tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Nguyên lý của mô hình này là mật độ thả nuôi tôm thẻ chân trắng vừa đến sức tải hấp thu các chất thải bởi vi sinh vật trong nước, có thể thả nuôi 4-5 vụ/năm. Thiết kế hệ thống nuôi bao gồm: ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng và ao nuôi với tỷ lệ 30-40% diện tích nuôi và 60-70% diện tích xử lý nước đầu vào/đầu ra. Để giảm thay nước, quy trình này sử dụng máy tạo ôxy, bổ sung vi sinh và kích thích vi khuẩn có lợi trong ao nuôi phát triển, hạn chế mật độ nuôi.

Khi triển khai tại Cà Mau, dự án đã tiến hành xây dựng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 03 giai đoạn ứng dụng công nghệ tuần hoàn với hệ thống ao ương giai đoạn 1 được thiết kế chuẩn với các điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế tối đa dịch bệnh chết sớm (khá phổ biến trên tôm thẻ). Việc ương tôm ở mật độ cao cũng hạn chế được đáng kể thức ăn trong giai đoạn đầu, vì vậy đã góp phần giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường. Cách thiết kế ao cho nhiều giai đoạn khác nhau sẽ rút ngắn được chu kỳ, tăng số vụ/năm.

Các ao nuôi được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, ứng dụng công nghệ tuần hoàn nuôi không thay nước hoặc ít thay nước, đã giảm tối đa ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Việc không sử dụng các sản phẩm đầu vào có tính chất độc hại như thuốc kháng sinh, hóa chất nên việc ảnh hưởng đối với môi trường là không đáng kể, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao.

Tập huấn mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học.

Trong điều kiện nghề nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, tình hình dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, môi trường ô nhiễm và việc lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… Việc bố trí hợp lý kết cấu các hạng mục trên một diện tích và khai thác được tối đa hiệu quả về không gian và thời gian để tăng được sản lượng trên cùng diện tích nuôi và tiết kiệm chi phí, công lao động là nhu cầu cấp thiết. Quy trình của dự án đã tạo ra cách làm mới cho nông dân để hạn chế rủi ro, có thu nhập cao hơn và cũng là động lực thúc đẩy cho các ngành nghề khác như: sản xuất giống thủy sản, sản xuất thức ăn, thuốc thú y thủy sản…, góp phần tạo nguồn nguyên liệu chủ động cho lĩnh vực chế biến xuất khẩu và các ngành dịch vụ khác liên quan đến thủy sản phát triển.

Hiện nay, các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chịu tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, dự án đã đề xuất thử nghiệm mô hình kết hợp nuôi đa loài (rong câu, cá rô phi, cá đối) nhằm tăng cường khả năng chống chịu tác động của biến đổi môi trường và tạo sinh kế đa dạng hơn cho người dân.

Ninh Diện - Nguyễn Mỹ

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)