Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 57, tính đến nay, Thanh Hóa đã có 11/54 chỉ tiêu đặt ra cho năm 2025 tăng so với thời điểm ban hành kế hoạch. Nổi bật, tỷ lệ người dân có khả năng sử dụng băng rộng cố định tốc độ trên 1 Gb/s đạt 25%, tăng 5% và hoàn thành gần 42% kế hoạch. Số công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu lên tới 16 công trình (tăng thêm 12 công trình so với giai đoạn trước), đạt gần 46% mục tiêu. Đồng thời, tỉnh đã triển khai 43 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, hoàn thành 86% chỉ tiêu, số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt 22 đơn vị, tiến sát mốc 40% chỉ tiêu giao. Tỷ lệ người dân sở hữu chữ ký số hiện là 31,27%, hoàn thành gần 90% mục tiêu; số doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân tăng thêm 47 doanh nghiệp, đạt 86% kế hoạch.

Trung tâm Giám sát - điều hành thông minh tỉnh Thanh Hóa.
Để đạt được kết quả này, Thanh Hóa đã sớm chú trọng hoàn thiện thể chế, biến yếu tố thể chế thành lợi thế cạnh tranh trong phát triển S.T.I.D. Tỉnh quan tâm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài tham gia vào lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, hoàn thiện, các ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh áp dụng vào hoạt động quản lý của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Thanh Hóa đã số hóa đồng bộ quy trình nghiệp vụ nội bộ, hồ sơ, tài liệu và kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở các lĩnh vực thiết yếu như đất đai, tư pháp, y tế, giáo dục, lao động, việc làm. 100% dữ liệu sau số hóa đã được tái sử dụng để cắt giảm tối đa thủ tục, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh đã số hóa quy trình cho 1.897 thủ tục hành chính, đưa lên hệ thống giải quyết thủ tục trực tuyến, tất cả dữ liệu đều đã được tái sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai nhiều ứng dụng dùng chung phục vụ công tác quản lý, điều hành như hệ thống quản lý văn bản, hệ thống thư công vụ, xác thực tài khoản tập trung, hội nghị truyền hình trực tuyến và phần mềm họp không giấy. Những nền tảng này đã góp phần nâng cao hiệu quả làm việc, tiết kiệm chi phí, thời gian, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Ở cấp xã, Thanh Hóa đã đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, triển khai hệ thống quản lý văn bản, mở rộng mạng LAN, hệ thống giao ban trực tuyến, cổng thông tin điện tử, cấp mã định danh và chữ ký số cho 166 xã mới thành lập. Đây là nền tảng quan trọng để chính quyền địa phương các cấp thực hiện chuyển đổi số một cách đồng bộ, hiệu quả.
Trong lĩnh vực doanh nghiệp, Thanh Hóa ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, quản trị. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế cho doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ số. Song song đó là khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển ứng dụng, dịch vụ số thông qua hợp tác công tư, phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu công nghệ số.
Xuân Bình