Thứ năm, 10/07/2025 10:14

Đại học Quốc gia Hà Nội: Tiên phong kiến tạo chính sách, phát huy các nguồn lực để đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào cuộc sống

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57-NQ/TW) là định hướng quan trọng để tạo động lực mới cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) có trách nhiệm đi đầu, tiên phong trong việc triển khai các nhiệm vụ được nêu trong  Nghị quyết số 57-NQ/TW, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển nhân lực trình độ cao, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng các công nghệ chiến lược. Để hiểu rõ hơn về việc triển khai  Nghị quyết số 57-NQ/TW tại ĐHQGHN, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có buổi trao đổi với Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Đại học Quốc gia Hà Nội - một đại học đa ngành, trọng điểm của đất nước trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW?

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn:  Nghị quyết số 57-NQ/TW đã nêu rõ: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Đây là chủ trương chiến lược, có tính cấp bách, yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, đặc biệt là ĐHQGHN.

Có thể khẳng định, ĐHQGHN đóng vai trò nòng cốt, có trách nhiệm đi đầu, tiên phong triển khai các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển nhân lực trình độ cao, nghiên cứu cơ bản và ứng dụng các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây và dữ liệu lớn. Đây chính là những lĩnh vực then chốt được xác định trong Nghị quyết, nhằm giúp Việt Nam nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các quốc gia tiên tiến, khẳng định vị thế cạnh tranh số và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

 Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, tăng cường đầu tư và hoàn thiện hạ tầng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. ĐHQGHN cần đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm và các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế số, xã hội số và hình thành lực lượng công dân số.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW” (Nghị quyết số 03/NQ-CP), ĐHQGHN đã ban hành Chương trình hành động thực hiện hai nghị quyết này. Với vị trí là một trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, ĐHQGHN đã chỉ đạo tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt, bảo đảm thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh chung và điều kiện thực tiễn gắn với các chỉ tiêu, định lượng cụ thể.

Xin ông cho biết một số điểm nhấn trong Chương trình hành động của Đại học Quốc gia Hà Nội mà ông vừa nêu.

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn: Chương trình hành động của ĐHQGHN tập trung vào 4 trụ cột chính, gồm: 02 trụ cột đầu ra (Thúc đẩy các sản phẩm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại ĐHQGHN, gắn với các ngành công nghệ, công nghiệp chiến lược, gia tăng giá trị, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với doanh nghiệp, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ và chuyển giao khoa học và công nghệ, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo); 02 trụ cột đầu vào (Chính sách đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả trong quản trị đại học tại ĐHQGHN).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về sản phẩm chip bán dẫn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: VNU Medi.

Đặc biệt, Chương trình hành động là định hướng xuyên suốt, thống nhất; là căn cứ chính để các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ ĐHQGHN xây dựng các chỉ tiêu, chỉ số quan trọng trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; là “kim chỉ nam” cho việc triển khai Chiến lược và kế hoạch phát triển của ĐHQGHN giai đoạn 5-10 năm sắp tới.

Cùng với Chương trình hành động vừa ban hành, ĐHQGHN cũng đã và đang triển khai mô hình “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” để làm chủ công nghệ lõi và áp dụng các kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp, địa phương. Ông có thể chia sẻ thêm về mô hình này?

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn: Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ĐHQGHN cũng tiên phong hiện thực hóa các mô hình tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới. Ngày 13/01/2025, Giám đốc ĐHQGHN đã ban hành Quyết định số 189/QĐ-ĐHQGHN thành lập Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Công viên này có nhiệm vụ ươm tạo các nhà khoa học xuất sắc, nhóm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai… Đây là một chủ trương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN tăng cường hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế như Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), LG, Samsung, Pegatron, Huyndai… để giải quyết các bài toán từ thực tiễn, gia tăng nguồn lực cho nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm chiến lược, ứng dụng, chuyển giao, thương mại hoá. Đồng thời, ĐHQGHN đã triển khai hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng các phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu theo mô hình chia sẻ dùng chung: Hợp tác với RMIT để xây dựng Innovation HUB nhằm phát triển các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực STEM, công nghệ thông tin, AI; hợp tác với Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB xây dựng Trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Blockchain; đang đàm phán với Vinacontrol, Geleximco, Rạng Đông để triển khai các phòng thí nghiệm phân tích môi trường, điện, điện tử, IoT…

Hợp tác với địa phương cũng là một nội dung quan trọng của ĐHQGHN trong việc triển khai  Nghị quyết số 57-NQ/TW. Tiêu biểu như ĐHQGHN và UBND tỉnh Thái Bình đã ký kết kế hoạch hợp tác triển khai Nghị quyết số 57/NQ-TW. ĐHQGHN cũng đã trao đổi cùng với các địa phương như: Bắc Ninh, Hải Dương (nay là Hải Phòng), Quảng Ninh, dự kiến trong Quý II/2025 sẽ triển khai hợp tác với các địa phương này nhằm thực hiện nhanh và hiệu quả  Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP. ĐHQGHN cũng đã đóng gói 50 sản phẩm khoa học và công nghệ trong lĩnh vực AI, IoT, bán dẫn và vật liệu tiên tiến để chuyển giao, thương mại hoá trong năm 2025 với các doanh nghiệp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện  Nghị quyết số 57-NQ/TW. Xin ông chia sẻ một số kết quả nổi bật về nội dung này tại ĐHQGHN?

Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn: ĐHQGHN đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đại học số cho cả giai đoạn và từng năm. Theo đó, ĐHQGHN đã và đang xây dựng chủ trương đầu tư các hợp phần để hình thành đại học số với định hướng phát triển bổ sung các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ yêu cầu đổi mới hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và quản trị đại học. Tỷ lệ học phần được tổ chức giảng dạy trực tuyến của mỗi chương trình đào tạo đạt 20%. Đến thời điểm hiện tại đã có trên 74.000 lượt người học trên hệ thống. Hiện nay, ĐHQGHN đang thúc đẩy việc thiết kế và triển khai trực tuyến các môn đào tạo chung cũng như các khóa học đại chúng. Các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực AI, đặc biệt là ứng dụng AI trong y tế và giáo dục được ĐHQGHN đặc biệt quan tâm. Chúng tôi đã xây dựng chương trình nghiên cứu về AI giai đoạn 2025-2030 theo hướng tập trung, phát triển sản phẩm ứng dụng có hàm lượng khoa học và công nghệ cao và ưu việt, đưa ĐHQGHN trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng AI hàng đầu tại Việt Nam và trong khu vực. Một số nhiệm vụ về AI đang được ĐHQGHN ưu tiên hợp tác với Đại học Thanh Hoa để triển khai ngay trong năm 2025 bao gồm: Phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và ứng dụng trong đào tạo số; Xây dựng nền tảng đào tạo tích hợp AI phục vụ chuyển đổi số (AI4Edu); Ứng dụng AI trong vận hành bệnh viện đại học công nghệ cao, thông minh và quản trị số; Phát triển hệ thống AI hỗ trợ khám và gợi ý chỉ định cận lâm sàng liên quan tới bệnh lý cột sống...

Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu khoa học tại một phòng thí nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội Nguồn: VNU Medi).

Bên cạnh việc phát huy tối đa các nguồn lực đang có, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, Đại học Quốc gia Hà Nội còn cần thêm những chính sách đột phá nào thưa ông?

Để tạo nên những đột phá trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và cũng là để góp phần thực hiện  Nghị quyết số 57-NQ/TW, ĐHQGHN rất mong muốn được thí điểm triển khai các cơ chế đặc thù để áp dụng tại mô hình Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các cơ chế về thu hút nhà khoa học xuất sắc quốc tế, thu hút và bồi dưỡng nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, đặt hàng của doanh nghiệp với các sản phẩm khoa học và công nghệ của ĐHQGHN, cơ chế khai thác, dùng chung phòng thí nghiệm/lab giữa ĐHQGHN và doanh nghiệp, quản lý và vận hành các Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học và công nghệ. ĐHQGHN được uỷ quyền để phê duyệt và chỉ đạo Công viên triển khai các cơ chế đặc thù, thí điểm này để tạo động lực cho nhà khoa học; giải phóng năng lực nghiên cứu, sáng tạo của nhà khoa học; gắn kết với doanh nghiệp, khu vực tư nhân để cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại ĐHQGHN; rút ngắn khoảng cách giữa phòng thí nghiệm với sản xuất đại trà, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN cũng mong muốn được thí điểm một số cơ chế để chủ động phát triển, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, bao gồm: tự chủ quyết định học phí đào tạo đối với các chương trình đạt chuẩn quốc tế; tự chủ tuyển dụng và sử dụng nhà khoa học xuất sắc; tự chủ sử dụng tài sản công vào hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân để đẩy mạnh xây dựng Khu đô thị đại học; phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực, phát triển ĐHQGHN đến năm 2030 ngang tầm với các cơ sở giáo dục đại học tại các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới theo yêu cầu của Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Trân trọng cảm ơn ông và chúc Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai thành công Nghị quyết số 57-NQ/TW!

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)