Thứ năm, 19/06/2025 09:37

Kiểm soát chất lượng và chống hàng giả: Góc nhìn từ Yến sào Khánh Hòa

Ngành yến sào Việt Nam, với bề dày lịch sử và tiềm năng phát triển to lớn đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cũng kéo theo nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày càng phổ biến, tinh vi và khó kiểm soát. Bài viết chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (Công ty Yến sào Khánh Hòa) và đề xuất giải pháp kiểm soát hàng nhái, hàng kém chất lượng trong ngành yến của Việt Nam. 

Kiểm soát chất lượng sản phẩm của Công ty Yến sào Khánh Hòa

Công ty Yến sào Khánh Hòa hiện là đơn vị duy nhất trong ngành yến sào tại Việt Nam triển khai mô hình sản xuất khép kín hoàn chỉnh - từ khai thác tổ yến tại các hang đảo thiên nhiên, hệ thống nhà yến, đến sơ chế, làm sạch, chế biến theo công nghệ hiện đại, đóng gói và phân phối ra thị trường. Từng khâu trong chuỗi quy trình này đều được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, cụ thể:

Khai thác tổ yến: Được thực hiện bởi đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khai thác an toàn, đúng mùa vụ, nhằm giữ nguyên giá trị dinh dưỡng và cấu trúc tự nhiên của tổ yến.

Sơ chế, làm sạch tổ yến: Áp dụng phương pháp thủ công kết hợp công nghệ tách lông siêu sạch hiện đại, tuyệt đối không sử dụng hóa chất tẩy trắng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ nguyên đặc tính tự nhiên của tổ yến.

Phát triển sản phẩm: Các dòng sản phẩm nước yến sào Sanest, Sanvinest đều được phát triển dựa trên các đề tài nghiên cứu khoa học bài bản, công phu và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Công ty. Mỗi đề tài có thời gian thực nghiệm thực tế tối thiểu từ 2 năm trở lên, trải qua nhiều công đoạn phân tích, đánh giá hiệu quả và độ an toàn. Trước khi đưa ra thị trường, tất cả sản phẩm đều được lưu mẫu để kiểm tra định kỳ, đảm bảo tính ổn định và chất lượng bền vững trong suốt thời gian lưu thông. Chính quy trình khắt khe này đã tạo nên sự khác biệt rõ nét về chất lượng và uy tín của sản phẩm Yến sào Khánh Hòa so với các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Hệ thống tiệt trùng của Công ty Yến sào Khánh Hòa.

Kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc: Các nhà máy chế biến sản phẩm từ yến sào của Công ty đều được trang bị phòng thí nghiệm đạt chuẩn, thực hiện kiểm nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu vi sinh, hóa học, lý học và cảm quan đối với nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm. Quy trình kiểm soát chất lượng tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP. Đồng thời, hệ thống truy xuất nguồn gốc được áp dụng đồng bộ, theo dõi toàn bộ hành trình sản phẩm - từ khai thác tổ yến đến tay người tiêu dùng.

Sản phẩm xuất khẩu: Công ty đã đạt được nhiều chứng nhận quốc tế uy tín như AQIS của Cơ quan Kiểm dịch Úc, FSMA và FDA của Hoa Kỳ, chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn thị trường châu Âu, chứng nhận HALAL cho thị trường Hồi giáo. Đặc biệt, Công ty đã được cấp tiêu chuẩn GACC của Tổng cục Hải quan Trung Quốc - điều kiện bắt buộc để sản phẩm yến sào được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Đóng gói, bao bì và nhận diện thương hiệu: Sản phẩm sau chế biến được đóng gói tự động trong môi trường vô trùng, dán tem chống hàng giả và tích hợp mã QR để truy xuất nguồn gốc. Bao bì được thiết kế nhận diện độc quyền, mang đậm bản sắc thương hiệu Yến sào Khánh Hòa - Thương hiệu Quốc gia.

Hệ thống giám sát chất lượng: Phòng Kiểm định nội bộ thực hiện kiểm tra định kỳ từng lô sản phẩm về vi sinh, hóa lý và cảm quan. Mỗi lô đều có hồ sơ sản xuất riêng biệt, liên kết với hệ thống dữ liệu truy xuất trung tâm, đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng và kiểm soát toàn diện từ khâu nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng.

Đề xuất giải pháp kiểm soát tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng

Hiện nay, thị trường đang chứng kiến sự bùng phát của nhiều sản phẩm mang danh “yến sào” nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột rau câu, lòng trắng trứng hoặc pha chế từ các chất không đạt tiêu chuẩn an toàn. Đáng lo ngại hơn, một số sản phẩm nước yến đóng lon, đóng lọ nhái hoàn toàn mẫu mã và tên gọi của những thương hiệu lớn như Yến sào Khánh Hòa, Sanest, Sanvinest…, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho người tiêu dùng. Các đối tượng làm hàng giả thường tận dụng các kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream… để đưa sản phẩm ra thị trường một cách ồ ạt và tránh sự kiểm soát.

Sản phẩm nước yến sào đóng lọ thật và giả được trưng bày tại Cục Quản lý Thị trường.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phát hiện hàng chục đơn vị có hành vi sử dụng tên gọi, thành phần và hình ảnh sản phẩm tương tự hoặc sao chép thương hiệu của Công ty. Nhiều website giả mạo có chứa cụm từ “yensaokhanhhoa” cũng đã được ghi nhận. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại về mặt hình ảnh và doanh thu cho doanh nghiệp chân chính, mà còn làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Thực trạng trên không chỉ phản ánh sự cạnh tranh không lành mạnh, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành yến sào. Đáng lo ngại hơn, nhiều cơ sở gia công hiện nay cho phép đối tác tùy ý đặt tên sản phẩm, công bố hàm lượng yến cao dù thực tế không hề chứa yến. Các quy trình như kiểm định nguyên liệu, xác thực thành phần hay công bố chất lượng đều bị bỏ qua, thậm chí còn được tự thiết kế nhãn mác, tên gọi và thông tin sản phẩm theo ý muốn. Việc thiếu cơ chế hậu kiểm, buông lỏng quản lý và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành đang vô tình tiếp tay cho hàng nhái hoành hành, gây thiệt hại nặng nề đến các thương hiệu chân chính, đặc biệt là Yến sào Khánh Hòa.

Để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi, tiến tới loại bỏ tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng trong ngành yến sào, cần triển khai một hệ thống giải pháp đồng bộ, thực tế và có tính ràng buộc pháp lý, cụ thể:

Hoàn thiện hành lang pháp lý và siết chặt thực thi: Rà soát và sửa đổi luật hiện hành liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn sản phẩm, quản lý thực phẩm chức năng, xử phạt hành vi gian lận thương mại. Tăng mức xử phạt vi phạm đối với các hành vi cố ý nhái nhãn hiệu, bao bì, tên gọi của các thương hiệu yến sào uy tín. Xử lý hình sự đối với hành vi tái phạm, có dấu hiệu gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Quy trách nhiệm người đứng đầu đơn vị sản xuất, phân phối nếu để xảy ra vi phạm hàng kém chất lượng.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt là kênh online: Tăng cường năng lực, nguồn lực cho lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, công an kinh tế, đặc biệt trong việc điều tra các đường dây làm hàng nhái. Tập trung kiểm soát các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội buôn bán hàng nhái, hàng kém chất lượng. Kiến nghị các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada, TikTok Shop… phối hợp kiểm duyệt sản phẩm ngành yến kỹ lưỡng hơn.

Áp dụng biện pháp quản lý công nghệ định danh người bán: Triển khai quy định bắt buộc định danh người bán trên sàn thương mại điện tử, xác minh thông tin pháp lý, mã số thuế, nguồn gốc sản phẩm. Xây dựng hệ thống lọc và cảnh báo sản phẩm vi phạm bằng công nghệ AI, kết hợp với cơ sở dữ liệu sản phẩm chính hãng trong ngành yến. Thành lập đầu mối quản lý chuyên trách về truy xuất nguồn gốc, xử lý đơn tố cáo vi phạm liên quan đến hàng nhái trong lĩnh vực thực phẩm cao cấp.

Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam cho các sản phẩm từ yến: Hiện nay, mặc dù yến sào là một trong những sản phẩm đặc sản có giá trị cao và được tiêu thụ rộng rãi, nhưng Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia mang tính pháp lý rõ ràng và bắt buộc áp dụng đối với các chế phẩm từ yến. Điều này tạo ra khoảng trống quản lý, khiến hàng nhái, hàng kém chất lượng dễ dàng len lỏi vào thị trường. Vì vậy, cần xây dựng và ban hành tiêu chuẩn Việt Nam cho sản phẩm yến tổ và các sản phẩm chế biến từ yến, bao gồm các chỉ số bắt buộc như: tỷ lệ yến thật; chỉ tiêu vi sinh, hóa lý, hàm lượng dinh dưỡng; quy định về ghi nhãn, bao bì, hạn sử dụng, quy trình vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chế biến và bảo quản. Tiêu chuẩn Việt Nam phải mang tính bắt buộc áp dụng, là cơ sở để các cơ quan chức năng thanh/kiểm tra, cấp phép, xử lý vi phạm.

Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm ngành yến: Đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử quốc gia về các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm yến sào hợp pháp, cập nhật thường xuyên và mở để người tiêu dùng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng truy cập, đối chiếu. Tích hợp hệ thống này với các nền tảng quản lý truy xuất nguồn gốc (QR code, blockchain…), tạo thành chuỗi kiểm soát xuyên suốt từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức người tiêu dùng: Phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan chức năng, truyền thông để tổ chức các chương trình tuyên truyền sâu rộng, như: “Phân biệt yến thật - yến nhái”, “Chọn đúng thương hiệu, bảo vệ sức khỏe gia đình”, “Mỗi lần mua - một lần kiểm tra mã QR”. Tổ chức gian hàng trải nghiệm phân biệt hàng thật - hàng kém chất lượng tại siêu thị, hội chợ, trường học, bệnh viện… Khuyến khích người tiêu dùng trở thành "người giám sát thị trường" thông qua các nền tảng tiếp nhận phản ánh và tố cáo vi phạm.

Tăng cường liên kết ngành, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp yến sào vững mạnh: Đề xuất thành lập liên minh doanh nghiệp ngành yến, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin liên quan đến vi phạm, gian lận thương mại, mẫu mã bị làm giả, nguồn nguyên liệu không đạt chuẩn… Qua đó, hình thành một mạng lưới cảnh báo sớm và cùng nhau bảo vệ uy tín thương hiệu. Thúc đẩy liên kết với các hiệp hội ngành thực phẩm, logistics, công nghệ truy xuất nguồn gốc để xây dựng hệ sinh thái toàn diện trong quản lý chất lượng và bảo vệ thương hiệu yến sào. Song song đó, tăng cường tần suất và mở rộng phạm vi kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất và đại lý kinh doanh yến sào, nhằm siết chặt quản lý, đảm bảo minh bạch và công bằng trên thị trường.

CT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)