Thứ hai, 19/05/2025 10:57

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Bộ tứ Nghị quyết là nền tảng để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới”

Tại Hội nghị toàn quốc diễn ra ngày 18/05/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, làm rõ vai trò chiến lược của 4 Nghị quyết trọng điểm do Bộ Chính trị ban hành. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển S.T.I.D quốc gia; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là 4 trụ cột chủ đạo sẽ định hình tiến trình phát triển quốc gia trong nhiều thập kỷ tới.

Kinh tế tư nhân - động lực chủ đạo của nền kinh tế

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu quán triệt tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị (nguồn: VGP/Nhật Bắc).

Phát biểu mở đầu, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội và kiểm soát đại dịch, tuy nhiên, để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, đất nước cần vượt qua những thách thức hiện hữu, bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, năng suất lao động hạn chế và bối cảnh quốc tế phức tạp. Những vấn đề này đòi hỏi một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ. Tổng Bí thư cho rằng, việc triển khai đồng bộ 4 Nghị quyết sẽ là giải pháp căn cơ để tạo bước ngoặt trong tư duy phát triển, từ đó mở ra thời kỳ bứt phá mới cho đất nước, giúp Việt Nam “cất cánh” trong giai đoạn phát triển mới.

Đề cập đến Nghị quyết 68, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, văn kiện này đánh dấu bước tiến quan trọng trong tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn của Đảng khi xác định “kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Đây không còn là một thành phần kinh tế bổ trợ mà đã trở thành một trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo nên thế “kiềng ba chân” vững chắc cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập hiệu quả.

Theo Tổng Bí thư, phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là nhu cầu kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thích ứng trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Trong giai đoạn mới, kinh tế tư nhân cần được “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, thay vì chỉ được “thừa nhận” như trước đây. Nhiệm vụ đặt ra là phải hoàn thiện thể chế để bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định; khơi thông nguồn lực về đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ; tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời xây dựng đội ngũ doanh nhân hiện đại không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khát vọng cống hiến vì quốc gia.

Không chỉ dừng lại ở chính sách, Nghị quyết còn đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có tư duy đổi mới, tinh thần trách nhiệm xã hội, bản lĩnh chính trị vững vàng và ý chí cống hiến quốc gia. Đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn mới cần được nhìn nhận là những “chiến sỹ trên mặt trận kinh tế” - góp phần đưa đất nước vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước có trách nhiệm để mọi người đều được thực hiện các quyền cơ bản: “Ai cũng phải lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm thì xã hội mới giàu có, phát triển. Ai cũng có quyền mưu cầu cuộc sống hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Ai cũng có khát vọng cống hiến, khát vọng đổi mới sáng tạo”.

Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - đòn bẩy phát triển quốc gia

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/05), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành nhiều thời gian khi nói về tầm quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW. Tổng Bí thư khẳng định, trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ và chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, S.T.I.D không chỉ là công cụ hỗ trợ mà phải trở thành nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội (nguồn: Hoàng Phong).

Theo Tổng Bí thư, để thực hiện thành công, toàn hệ thống chính trị cần nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, về vai trò đặc biệt quan trọng của S.T.I.D; phải tạo đột phá trong tư duy phát triển, xóa bỏ các rào cản lạc hậu, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, các cơ quan phải củng cố quyết tâm chính trị, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong toàn hệ thống về chủ trương lấy khoa học và công nghệ làm động lực phát triển chủ yếu. Song song với đó là yêu cầu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ rào cản pháp lý và hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Tổng Bí thư khẳng định: “Muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, không có con đường nào khác ngoài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, sáng tạo bứt phá hơn để thực sự biến khoa học công nghệ thành nền tảng và động lực then chốt đưa đất nước vươn tới những tầm cao mới”.

Đổi mới thể chế pháp luật - tạo nền tảng cho một quốc gia kiến tạo

Về Nghị quyết số 66-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, công tác lập pháp hiện nay cần được đổi mới sâu sắc để bắt kịp với yêu cầu phát triển. Pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi mà còn là cơ sở tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng và thi hành pháp luật phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của toàn Đảng và hệ thống chính trị, gắn chặt với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết đã xác định 3 trọng tâm lớn: hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực then chốt như bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường, quyền con người, môi trường đầu tư; đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chủ động, dễ hiểu, dễ thực thi; nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, tăng kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải trình.

Chuyển đổi từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ” là bước đột phá quan trọng trong cải cách thể chế. Pháp luật không chỉ đi sau thực tiễn mà phải đi trước, dẫn dắt phát triển và tháo gỡ những điểm nghẽn. Cần xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, phân cấp phân quyền hợp lý.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Nghị quyết số 66-NQ/TW chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ, đồng thời tạo ra động lực bền vững cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh trong thế kỷ XXI”.

Hội nhập quốc tế - sức mạnh bổ sung, động lực mới cho phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm dành phần cuối phát biểu để phân tích vai trò của Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, cùng các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và kinh tế xanh đang định hình lại mô hình phát triển toàn cầu.

Nghị quyết đề ra những định hướng lớn như: phát triển kinh tế số, xanh, tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học và công nghệ; giữ vững chủ quyền, ổn định, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược; tận dụng hội nhập để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Yêu cầu trọng yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhập có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững và khả năng phối hợp liên ngành.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Hội nhập trong tình hình mới đòi hỏi tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, linh hoạt, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển nhanh, bền vững”. Nghị quyết số 59-NQ/TW là kim chỉ nam hành động, cần được cụ thể hóa bằng chương trình thiết thực, với tinh thần trách nhiệm cao, để hội nhập thực sự trở thành động lực đưa Việt Nam vươn cao trên trường quốc tế.

Hướng đến một Việt Nam phát triển toàn diện, hội nhập sâu rộng

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, 4 Nghị quyết trên vừa là lời hiệu triệu cải cách thể chế, vừa là chiến lược dài hạn cho một Việt Nam phát triển toàn diện. Các Nghị quyết tạo thành một hệ thống chiến lược thống nhất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao thu nhập quốc dân vào năm 2045. Mỗi nghị quyết tập trung vào lĩnh vực trọng yếu: Nghị quyết 66 xây dựng thể chế minh bạch, bảo vệ quyền con người. Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ là động lực tăng trưởng. Nghị quyết 59 thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động. Nghị quyết 68 đưa kinh tế tư nhân thành động lực trung tâm.

Toàn cảnh Hội nghị (nguồn: Hoàng Phong).

Để đạt được điều đó, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và sự đồng hành trách nhiệm của doanh nghiệp. Tổng Bí thư nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ, minh bạch, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế thị trường hội nhập; đột phá trong S.T.I.D, nhằm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư; phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế quốc gia. Cùng với đó là 8 nhiệm vụ cụ thể cần bắt tay triển khai ngay trong năm 2025, từ việc hoàn thiện các chương trình hành động quốc gia, rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật, khởi động các chương trình về khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận: “Chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Với truyền thống anh hùng, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên không ngừng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững”.

Xuân Bình

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)